Trang Carscoops đưa tin, nhờ đặc tính nhẹ hơn nhôm và cứng hơn thép, sợi carbon được các nhà sản xuất ô tô sử dụng với mục đích giảm trọng lượng nhưng vẫn giữ cho chiếc xe đủ khả năng chịu lực khi xảy ra va chạm.
Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi về Quy định về xe hết niên hạn sử dụng (ELV) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) hoàn tất, vật liệu sợi carbon bị liệt kê là vật liệu có khả năng gây hại.
Từ lâu, Liên minh châu Âu (EU) đã xếp chì, thủy ngân, cadmium và crom hóa trị 6 vào danh sách chất độc hại, song vẫn cho phép ngành sản xuất ô tô và máy bay sử dụng một cách hạn chế thông qua các điều kiện miễn trừ đặc biệt.

Châu Âu tiến tới cấm sử dụng vật liệu sợi carbon vào năm 2029. Ảnh: Carscoops.
Nghị viện châu Âu tin rằng, sợi carbon có thể bay trong không khí và gây hại nếu tiếp xúc với da người. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, một cơ quan chính phủ coi sợi carbon là vật liệu nguy hiểm.
Các nhà sản xuất ô tô sẽ phải giảm dần việc sử dụng sợi carbon trong quá trình chế tạo sản phẩm của họ. Riêng sản xuất ô tô chiếm tới 20% tổng lượng sợi carbon được sử dụng trên toàn thế giới.

Ngành sản xuất ô tô chiếm tới 20% tổng lượng sợi carbon được sử dụng trên toàn thế giới. Ảnh: Carscoops.
Việc EU đưa ra thông báo cấm sử dụng sợi carbon vào năm 2029 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà sản xuất vật liệu này. Theo Nikkei Asia, cổ phiếu của các nhà sản xuất sợi carbon của Nhật Bản đã giảm mạnh sau thông báo của EU.
Trong đó, các thương hiệu châu Á như Teijin, Toray Industries và Mitsubishi Chemical sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm sợi carbon. Các thương hiệu này chiếm tới 54% thị trường sản xuất sợi carbon trên toàn cầu.
Các nhà sản xuất xe thể thao và siêu xe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm được đề xuất. Ngoài ra, nhà sản xuất xe điện như BMW , Hyundai, Lucid và Tesla cũng đều bị ảnh hưởng, khi sử dụng phổ biến sợi carbon trong quá trình chế tạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận