Ngành ô tô Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn do hai lý do chính. Thứ nhất là các hãng xe liên tục giảm giá bán để cạnh tranh lẫn nhau. Thứ hai là tình trạng sản xuất quá nhiều xe so với nhu cầu thị trường (hay cung vượt cầu).
Điều này có nghĩa là các hãng xe đã sản xuất quá nhiều ô tô so với khả năng mua sắm của người dân. Vấn đề này đã khiến chính phủ phải chú ý và tìm cách can thiệp.

Tình trạng sản xuất ồ ạt, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn kho lớn của các hãng xe Trung Quốc.
Một trong những hệ quả rõ nhất của việc khó khăn tài chính là các hãng xe đang trả tiền cho nhà cung cấp của mình ngày càng chậm. Thay vì trả đúng hạn, họ giữ lại tiền của đối tác cung cấp linh kiện để xoay sở cho các hoạt động sản xuất của mình.
Thời gian thanh toán cho các nhà cung cấp linh kiện đã kéo dài đáng kể, với mức trung bình toàn ngành tăng từ 99 ngày (năm 2019) lên 108 ngày. Có những công ty lớn như BYD mất tới 127 ngày để trả tiền, hay Geely thậm chí kéo dài tới 193 ngày.
Sự chậm trễ này không chỉ gây khó khăn cho các nhà cung cấp mà còn nghiêm trọng đến mức buộc chính phủ phải ban hành quy định mới, yêu cầu các khoản thanh toán phải được thực hiện trong vòng 60 ngày nhằm ổn định chuỗi cung ứng.
Ngoài việc trả tiền chậm, các hãng xe còn đối mặt với núi tồn kho khổng lồ và gánh nặng nợ nần chồng chất. Đến tháng 4/2025, lượng xe chưa bán được đã lên 3,5 triệu chiếc, tăng hơn gấp đôi so với 2019, trong khi tổng nợ phình to lên tới 56%.
Hậu quả là lợi nhuận ngành sụt giảm mạnh so với mức 2,7% năm 2019, khiến các hãng xe gần như không còn lãi từ việc bán xe sau khi trừ chi phí.

Bất chấp những khó khăn chung của ngành, BYD vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận và doanh số nhờ chiến lược tập trung vào xe điện và khả năng tự chủ sản xuất.
Tuy nhiên, BYD lại là một trường hợp khác biệt, cho thấy sự bứt phá đáng kể. Thành công này phần lớn nhờ vào chiến lược tự chủ sản xuất toàn diện, khi BYD tự sản xuất phần lớn pin, chip và một số linh kiện quan trọng khác.
Lợi nhuận ròng quý 1/2025 đạt 9,15 tỷ nhân dân tệ, với biên lợi nhuận tăng từ 1,7% lên 5,4%. Thành quả này đến từ việc BYD tập trung mạnh vào mảng bán ô tô và thu được nhiều lợi nhuận từ đó.
Bên cạnh đó, việc công ty tập trung mạnh vào phân khúc xe điện năng lượng mới (NEV) đang bùng nổ, cùng khả năng đưa ra các mẫu xe đa dạng với giá cạnh tranh, đã giúp thu hút lượng lớn khách hàng và tạo nên lợi thế vượt trội.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã tự chủ nhiều khâu, việc BYD vẫn phải mua lượng lớn linh kiện và nguyên liệu khác từ các nhà cung ứng bên ngoài cũng là lý do khiến công ty không tránh khỏi việc trả tiền chậm, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn tài chính chung của các hãng xe Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận