Xiaomi, tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc, đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập.
Lei Jun, người sáng lập kiêm Chủ tịch và CEO Xiaomi, thừa nhận đã trải qua một tháng đầy áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần, khiến ông phải hủy nhiều cuộc họp, hoãn các chuyến công tác và gần như rút khỏi truyền thông xã hội, Car News China đưa tin.

Mẫu xe điện Xiaomi SU7 Ultra từng tạo cơn sốt và cháy hàng tại Trung Quốc ngay sau khi mở bán. Ảnh: Car News China.
Khủng hoảng này xuất phát từ nhiều sự cố liên quan đến mẫu xe điện Xiaomi SU7 Ultra - sản phẩm đầu tiên trong chiến lược tấn công thị trường xe EV của Xiaomi.
Trong vòng hơn một tháng, mẫu xe này liên tục dính phải các chỉ trích về tính năng an toàn, quảng cáo sai lệch, và đặc biệt là vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người thiệt mạng.
Phần mềm giới hạn sức mạnh và làn sóng chỉ trích
Rắc rối đầu tiên đến từ một bản cập nhật phần mềm làm hạn chế công suất của chiếc SU7 Ultra từ mức tối đa 1.548 mã lực xuống còn khoảng 900 mã lực trong điều kiện lái bình thường.
Để mở khóa toàn bộ hiệu suất, người dùng phải kích hoạt chế độ “Ranking Mode” bằng cách hoàn thành một vòng đua trên đường chuyên dụng, điều mà Xiaomi không thông báo trước khi bán xe.
Phản ứng dữ dội từ cộng đồng khiến Xiaomi phải tạm dừng triển khai bản cập nhật và cam kết tung ra phiên bản mới sau từ 4 - 8 tuần.
Trong thông cáo phát đi đêm 7/5, hãng thừa nhận thiếu minh bạch và cho biết sẽ tăng cường tham khảo ý kiến người dùng trong các bản cập nhật phần mềm sau này.
Nắp ca-pô carbon gây tranh cãi
Một tranh cãi khác liên quan đến nắp ca-pô hai khe bằng sợi carbon trên mẫu Xiaomi SU7 Ultra.

Tùy chọn nắp ca-pô carbon trên xe điện Xiaomi SU7 Ultra có giá 42.000 NDT (khoảng 150 triệu đồng). Ảnh: Car News China.
Một số khách hàng cho rằng Xiaomi đã phóng đại hiệu quả khí động học và khả năng làm mát của chi tiết này.
Hãng sau đó phải đính chính rằng nắp ca-pô chỉ giúp giảm khoảng từ 1,2 - 1,3kg khối lượng và hỗ trợ làm mát “ở mức hạn chế”.
Để xoa dịu người dùng, Xiaomi cho phép khách hàng đã đặt mua trước ngày 10/5 có thể chuyển sang nắp ca-pô nhôm tiêu chuẩn, đồng thời tặng 20.000 NDT (khoảng 2.770 USD) điểm tích lũy dù khách hàng có đổi nắp ca-pô hay không.
Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể khiến thời gian giao xe bị chậm lại.
Tai nạn chết người và nghi vấn về hệ thống lái thông minh
Sự kiện nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 29/3, khi một chiếc SU7 chở 3 nữ sinh đại học gặp tai nạn trên cao tốc ở tỉnh An Huy (Trung Quốc).
Xe được cho là đang ở chế độ lái thông minh thì phát hiện vật cản và phanh gấp ở tốc độ 97km/h, nhưng vẫn đâm vào rào chắn và bốc cháy, khiến cả 3 người thiệt mạng.

Hiện trường vụ tai nạn khiến 3 người trên Xiaomi SU7 thiệt mạng. Ảnh: Car News China.
Vụ tai nạn gây chấn động mạng xã hội Trung Quốc và khiến giá cổ phiếu Xiaomi bốc hơi hơn 120 tỷ đô-la Hong Kong (khoảng 15 tỷ USD) chỉ trong 2 ngày.
Cùng đó, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ an toàn thực sự của công nghệ lái thông minh mà hãng quảng bá.
Theo một số bài báo, nạn nhân từng được người thân cảnh báo không nên "mù quáng tin vào chức năng lái thông minh", nhưng cuối cùng vẫn sử dụng.
Điều này làm dấy lên chỉ trích về cách Xiaomi và nhiều hãng xe khác đang quảng bá các tính năng ADAS (hỗ trợ lái nâng cao) như thể đó là công nghệ tự lái hoàn toàn, dù thực chất vẫn ở cấp độ 2, tức người lái vẫn phải kiểm soát phương tiện mọi lúc.
Phản ứng từ cộng đồng và chính quyền
Sau vụ tai nạn, cộng đồng mạng chia sẻ nhiều video cho thấy người dùng xe SU7 thả tay khi xe đang chạy ở tốc độ cao, thậm chí có người ngủ gật trong lúc xe vận hành.
Những hình ảnh này càng làm dấy lên lo ngại rằng cách quảng bá hiện nay đang cổ vũ cho hành vi sử dụng sai lệch công nghệ.
Ngay cả những hãng lớn như Tesla cũng đã bắt đầu thay đổi cách gọi các tính năng hỗ trợ lái, bỏ dần cụm từ “Full Self-Driving” (tự lái hoàn toàn) trong tài liệu quảng cáo.
Chính quyền Trung Quốc cũng cho biết sẽ siết chặt quản lý ngôn ngữ quảng bá liên quan đến “hệ thống lái thông minh”.
Hiện tại, Xiaomi đang cố gắng kiểm soát khủng hoảng.
CEO hãng thông báo mẫu SU7 Ultra đang được thử nghiệm tại trường đua Nurburgring (Đức), sử dụng hệ thống 3 động cơ điện mạnh 1.548 mã lực, tăng tốc từ 0 - 100km/h trong 1,98 giây, cùng pin của CATL và nhiều công nghệ như phanh Akebono, cánh gió cố định bằng carbon, nội thất Alcantara, hệ thống hỗ trợ lái do chính Xiaomi phát triển.
Dù vậy, giới chuyên môn nhận định, hãng vẫn còn rất nhiều việc phải làm như xử lý hậu quả của vụ tai nạn, tăng tính minh bạch trong các bản cập nhật phần mềm, đảm bảo thông tin chính xác về sản phẩm, và đặc biệt là khôi phục lòng tin của khách hàng.
Sự cố lần này không chỉ là bài học riêng cho Xiaomi mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn ngành công nghiệp xe điện thông minh đang phát triển quá nhanh tại Trung Quốc.
Trong cuộc đua công nghệ, người tiêu dùng không chỉ cần hiệu suất hay tính năng thông minh, mà còn cần sự an toàn và trung thực đến từ nhà sản xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận