Thị trường xe máy công trình tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ làn sóng đầu tư công dâng cao, đặc biệt trong các dự án hạ tầng giao thông, cảng biển và đô thị.
Tuy nhiên, theo số liệu từ một doanh nghiệp thiết bị xây dựng lớn của Hàn Quốc, bên cạnh lượng máy mới nhập khẩu hàng năm chỉ khoảng 2.000 chiếc, Việt Nam đang phải tiếp nhận trung bình 20.000 máy công trình cũ mỗi năm - gấp cả chục lần máy mới.
Trong đó, các loại máy công trình đã qua sử dụng hơn 10 năm chiếm đến 50-70% số lượng máy cũ, thậm chí có cả loại đã 30, 40 năm tuổi.

Hơn một nửa lượng máy công trình cũ được nhập về Việt Nam đã qua sử dụng hơn 10 năm. Ảnh minh họa: M.H.
Thực tế này không chỉ làm méo mó quy mô thị trường máy mới mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện các loại máy công trình nhập khẩu không có quy định về niên hạn sử dụng. Trong khi đó, ở khu vực ASEAN, nhiều nước đã có những quy định quản lý chặt chẽ với máy cũ
Đơn cử tại Thái Lan, quy định máy công trình nhập khẩu chỉ được phép không quá 5 tuổi (tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu), được tính vào vốn đầu tư để xác định giới hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không được miễn thuế nhập khẩu.
Đối với máy đã qua sử dụng trên 5 năm nhưng không quá 10 năm, doanh nghiệp vẫn được phép sử dụng trong dự án, nhưng không được tính vào vốn đầu tư để xác định giới hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và không được miễn thuế nhập khẩu.
Cùng đó, tất cả loại máy công trình cũ bắt buộc phải có chứng nhận hiệu suất máy móc, bao gồm đánh giá về hiệu quả hoạt động, tác động môi trường và mức tiêu thụ năng lượng.
Trong khi đó tại Indonesia, máy móc phục vụ giao thông đường bộ, bao gồm hầu hết các loại máy công trình như máy xúc, máy ủi, cần cẩu, chỉ được phép nhập nếu tuổi máy tính tới thời điểm nhập khẩu không vượt quá 15 năm, đồng thời hồ sơ nhập khẩu phải kèm báo cáo kỹ thuật và đánh giá an toàn từ Cục Công nghiệp Máy móc, Thiết bị và Điện tử.
Việc thiếu vắng cơ chế quản lý ở Việt Nam khiến thị trường máy công trình cũ chiếm ưu thế, làm suy giảm nhu cầu với sản phẩm mới và gián tiếp hạn chế khả năng áp dụng công nghệ cao.
Theo đại diện một doanh nghiệp thiết bị xây dựng tại Việt Nam, máy công trình quá cũ có chất lượng không đồng đều, dễ phát sinh hỏng hóc khi vận hành và có thể dẫn đến tai nạn lao động, gián đoạn tiến độ thi công và tăng chi phí sửa chữa.
Về mặt môi trường, máy cũ thường không đạt chuẩn khí thải hiện hành, thải khói đen, gây tiếng ồn và tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn máy mới, đi ngược với định hướng bảo vệ môi trường và giảm phát thải của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu tràn lan máy cũ còn tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế. Những loại máy quá cũ khó có thể kiểm soát việc định giá, dẫn đến xuất hiện tình trạng “đánh lận con đen”, khai giá máy nhập về chỉ từ 1-2 nghìn USD để giảm thuế.
Thực trạng này không chỉ gây thất thu mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, khi các đơn vị tuân thủ khai báo đầy đủ bị cạnh tranh bất lợi bởi những bên “chủ động” tối giản chi phí thuế.
Áp lực cạnh tranh từ máy cũ giá rẻ còn khiến sản phẩm máy mới khó tìm được thị phần, kéo theo dung lượng toàn thị trường thấp. Chính điều này làm nản lòng các nhà sản xuất trong việc đặt nhà máy và thúc đẩy nội địa hóa sản xuất.
Trong khu vực, một số hãng đã có nhà máy sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia, tuy nhiên những thị trường này tiêu thụ tới hơn 20.000 máy mới mỗi năm, còn Việt Nam hiện chỉ bằng một phần mười dù quy mô nền kinh tế gần như tương đương.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất một doanh nghiệp thực hiện việc lắp ráp loại máy công trình tại Việt Nam.
Hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets cho biết, ngành máy móc xây dựng của Việt Nam được định giá 2 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 9,4 tỷ USD vào năm 2032. Tuy nhiên theo một số nhận định, chỉ khi có quy định về niên hạn sử dụng, thị trường máy công trình mới thực sự có thể bước vào giai đoạn bứt phá, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận