Ngày 16/4, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, trong đó có nội dung về xe công.
Theo hướng dẫn, đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
“Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện, sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu hoặc chưa có xe; hoặc được xử lý theo quy định”, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu.
Trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc thì bố trí xe ô tô hiện có, hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm hoặc thuê xe ô tô theo quy định để phục vụ việc đưa đón công chức, viên chức, người lao động.

Một xe công vụ vừa được bán đấu giá tại Hà Nội đầu tháng 3/2025. Ảnh minh họa
Theo một chuyên viên Bộ Tài chính, với số lượng 696 huyện tính đến đầu tháng 3/2025, số lượng xe công của cấp huyện vào khoảng 4.500 chiếc, chủ yếu là xe con 5 chỗ kiểu loại sedan và xe 7 chỗ, kiểu loại MPV hoặc SUV.
Sở Tài chính các địa phương sẽ tự tính toán để điều chuyển phương tiện sang cơ quan mới, trường hợp dư thừa sẽ thanh lý thông qua đấu giá.
Theo quy định hiện hành (Nghị định 72/2023), cấp huyện được sử dụng xe công phục vụ công tác chung, không dùng để đưa đón cán bộ từ nhà đến cơ quan và ngược lại.
Xe ô tô phục vụ công tác chung là xe một cầu hoặc hai cầu, có số chỗ ngồi từ 4 - 16 chỗ ngồi (bao gồm cả xe ô tô bán tải) để phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, không thuộc danh mục xe ô tô chuyên dùng.
Hiện định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của cấp huyện tối đa 6 xe/1 huyện.
Đối với các huyện có 15 xã trở lên, hoặc có diện tích trên 450km2, huyện thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được thêm từ 1 - 2 xe, tức là tối đa 8 xe/1 huyện.
Về việc di chuyển của cán bộ công chức sau sáp nhập, hôm 10/4 Hải Dương là tỉnh đầu tiên trên cả nước khảo sát nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện cá nhân và các hình thức khác để di chuyển từ thành phố Hải Dương đến thành phố Hải Phòng và ngược lại.
Đối tượng khảo sát là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Theo ước tính, cự ly di chuyển từ trung tâm thành phố Hải Dương đến trung tâm hành chính mới của Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên) khoảng 50km, thời gian di chuyển 1 giờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận