Phần mềm Việt trên ô tô, không phải ai cũng biết
Không ít người dù đang sở hữu những chiếc ô tô sang, xịn biết chiếc xe của mình đang có nhiều phần mềm và những tiện ích do chính doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
Không ít người dù đang sở hữu những chiếc ô tô sang, xịn biết chiếc xe của mình đang có nhiều phần mềm và những tiện ích do chính doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Hiện nay, thị trường cung ứng phần mềm ô tô của Việt Nam có thể lên tới hàng tỷ USD.
Các đối tác là những tên tuổi lớn
Anh Lê Hùng, kỹ sư tin học của một nhà thầu công nghệ Việt Nam đang trong giai đoạn kiểm thử phần mềm ô tô. Từ Hà Nội, hàng ngày anh họp hành, trao đổi liên tục với các kỹ sư phần mềm Subaru Nhật Bản. Do chênh lệch múi giờ, anh thường xuyên phải bắt đầu online từ sáng sớm và nhiều cuộc họp xuyên trưa, khi dự án thành phần đến hạn chót.

Phần mềm ô tô do các công ty Việt Nam sản xuất đã được ứng dụng rộng rãi.
Ngày 21/3/2025, Subaru Nhật Bản chủ động loan báo sớm việc đạt thỏa thuận hợp tác 2 năm về sản xuất phần mềm với FPT Automotive - công ty phần mềm có trụ sở tại Mỹ - nhưng là công ty con của FPT Việt Nam.
Giá trị hợp đồng không được tiết lộ, nhưng Subaru cho biết, cả hai công ty sẽ mở rộng trao đổi chuyên môn, tập trung vào các lĩnh vực phần mềm xe hơi, lái xe tự động và hệ thống an toàn thế hệ mới.
FPT Automotive là doanh nghiệp đặt trụ sở tại thành phố Dallas (bang Texas, Mỹ) từ cuối năm 2023. Mục tiêu là sản xuất phần mềm cho các hãng xe toàn cầu.
Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị FPT cho biết, FPT Automotive bắt đầu đặt chân vào ngành phần mềm cho ô tô cách đây 10 năm. Hiện doanh nghiệp có hơn 4.000 kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm ô tô, có khoảng 150 khách hàng là các hãng xe tên tuổi trên thế giới như Mercedes, BMW, Renault, Toyota, Honda, Nissan, Suzuki, Hyundai, Volvo, Ford…
Hiện tại, VinFast cũng chọn FPT Automotive là một trong các nhà cung ứng phần mềm cho xe điện.
Thiết kế mọi bộ phận trên ô tô
FPT Automotive cung cấp thông tin giải trí trên xe, thông tin trong xe, bộ điều khiển điện tử (ECU), chức năng an toàn, an ninh bảo mật, thiết kế UI/UX (giao diện, trải nghiệm người dùng) cho ô tô, kết nối không dây và kỹ thuật số.
Trọng tâm của các dịch vụ này là các sản phẩm MaaZ, AUTOSAR (lái xe tự động) độc quyền cho các giải pháp ECU chìa khóa trao tay, mà công ty đã phát triển và đạt nhiều thành tựu với khách hàng.
"Khi bạn tiến hay lùi, trên màn hình xe sẽ hiện lên những vạch kẻ màu xanh, vàng hay đỏ, để giúp bạn tiến hay lùi đúng vị trí, cảnh báo giúp bạn khoảng cách giữa xe với vật cản từ 4 phía, rồi những cảnh báo bằng âm thanh "tít tít" nhanh hay chậm. Rồi khi bạn phanh xe, bạn nghe nhạc, bạn dùng các tiện ích giải trí trên xe.
Tóm lại, tất cả những gì hiện trên chiếc đồng hồ trước mắt lái xe (tốc độ xe, lượng xăng còn trong bình, hay các cảnh báo các lỗi của xe về phanh, lốp, đèn…) đều do phần mềm của FPT điều khiển", ông Đỗ Cao Bảo giải thích.
Ngoài FPT Automotive, nhiều doanh nghiệp khác đang sử dụng hàng nghìn kỹ sư Việt Nam để gia công đóng gói phần mềm.
Đơn cử, Nissan Automotive Technology Việt Nam là công ty con của Nissan Automotive Technology Nhật Bản, chuyên thiết kế các bộ phận ô tô. Doanh nghiệp này hiện sử dụng khoảng 2.700 kỹ sư làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho ra đời các bản thiết kế mọi bộ phận trên ô tô, theo đặt hàng từ Nhật Bản.
Dịch vụ "may đo" riêng cho từng hãng xe
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội), ngành ô tô đang đi theo khái niệm mới là "software-defined vehicle", nghĩa là ô tô được điều khiển bằng phần mềm. Thực tế, yếu tố công nghệ trên ô tô đang thể hiện rõ rệt, nhất là xe điện.
Chiếc xe được cập nhật phần mềm liên tục, các tính năng sẽ tương đương giữa xe mới và xe cũ, thậm chí nhiều lỗi phần cứng được sửa nhờ nâng cấp phần mềm.
"Khi nhắc đến ô tô, ngoài động cơ và pin, rồi đây chúng ta sẽ nói thêm rằng xe này dùng RAM gì, chip gì… hệt như khi nói về máy tính, điện thoại", ông Phúc nói.
Theo kỹ sư tin học Lê Hùng, nếu hiểu phần mềm ô tô là một hệ điều hành được cài trên ECU (máy tính trung tâm) là cách hiểu chưa đầy đủ. Phần mềm ô tô còn bao gồm cả ứng dụng cài trên điện thoại của người lái, trên máy tính của đại lý hoặc quản trị xưởng dịch vụ. Đó là một chuỗi phần mềm khác nhau, nhưng phải hoạt động liền mạch, tức thì.
"Ví dụ, hiển thị mức pin xe điện, quét bản đồ và hiển thị địa điểm trạm sạc cài trên điện thoại cũng là phần mềm ô tô, được hãng bán kèm chiếc xe. Xu hướng tất yếu là xe nào cũng phải có app, mọi thứ về xe đều phải lên app", anh Hùng cho biết.
Tuy nhiên, đặc thù của ngành này là các hãng xe đều có xu hướng tự phát triển phần mềm riêng để tích lũy cơ sở dữ liệu cho chính mình, tránh phụ thuộc vào nhà phát triển phần mềm nước ngoài. Bởi vậy, phần mềm ô tô là sản phẩm "may đo", không hãng nào giống hãng nào, mặc dù cách thức hoạt động có thể giống nhau về nguyên lý.
Do nhu cầu ô tô chưa đến điểm bão hòa, thị trường phần mềm ô tô của Việt Nam được dự báo trị giá khoảng 1 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 30% (số liệu từ báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ấn Độ Spherical).
Mới đây, FPT Automotive đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển phần mềm cho các loại thiết bị của Nippon Seiki - Tập đoàn có thị phần hàng đầu trên thế giới về cụm đồng hồ (meter) và màn hình hiển thị trên kính lái (HUD) cho ô tô và xe máy.
Theo ước tính của Khoa Kỹ thuật máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội), trong 10 năm tới, Việt Nam cần tới 30.000 kỹ sư và lập trình viên cho mảng công nghệ ô tô số.
Bởi vậy, các chương trình hợp tác của hãng phần mềm với hai trường Đại học FPT và Đại học Bách khoa Hà Nội được ký kết, cùng nhau bắt tay xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu về phần mềm ô tô (Digital Automotive Engineering Program). Đây là chương trình đào tạo sau đại học hệ kỹ sư trong một năm rưỡi, tập trung vào các kỹ năng chính như phần mềm nhúng, cơ điện tử trên ô tô, công nghệ tự lái… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày một tăng.