Chuẩn an toàn Euro NCAP làm khó ô tô giá rẻ?
Những tiêu chuẩn an toàn ngày một nâng cao của Euro NCAP đang khiến các mẫu ô tô giá rẻ trở nên khó tiếp cận hơn với người tiêu dùng.
Khi ngành công nghiệp ô tô châu Âu bước vào kỷ nguyên của các tiêu chuẩn an toàn ngày càng khắt khe, những tranh cãi xoay quanh sự cân bằng giữa công nghệ tối tân và khả năng chi trả của người tiêu dùng cũng trở nên gay gắt hơn.
Tâm điểm hiện nay là Euro NCAP, chương trình đánh giá an toàn ô tô có ảnh hưởng lớn nhất tại châu Âu, với những quy định sẽ siết chặt hơn từ năm 2026, Autocar đưa tin.
Chuẩn an toàn mới khiến ô tô giá rẻ không còn rẻ
Theo lãnh đạo của 2 hãng xe Citroen và Dacia, các yêu cầu để đạt chuẩn an toàn 5 sao của Euro NCAP đã vượt xa các quy định pháp lý cơ bản của Liên minh châu Âu (EU).

Euro NCAP là chương trình đánh giá an toàn ô tô có sức ảnh hưởng lớn tới quyết định mua xe của khách hàng châu Âu.
Cụ thể, trong khi các hãng vẫn tuân thủ đầy đủ mọi quy định thuộc khuôn khổ GSR2 (quy định chung của EU về an toàn phương tiện), thì những tiêu chí bổ sung của Euro NCAP đòi hỏi mức đầu tư quá lớn vào các công nghệ tránh va chạm tiên tiến, vượt ngoài khả năng chi trả của các dòng xe phổ thông.
Để đạt được 5 sao từ Euro NCAP từ năm 2026 trở đi, xe cần thể hiện "hiệu suất xuất sắc toàn diện trong bảo vệ va chạm", và phải được trang bị những công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến nhất.
Những tính năng này bao gồm cả hệ thống an toàn thụ động (như túi khí, dây đai, vùng hấp thụ xung lực) và hệ thống an toàn chủ động (như camera, radar, cảm biến phát hiện chướng ngại vật, hỗ trợ giữ làn, kiểm soát hành trình chủ động…).
Đơn cử như mẫu SUV Dacia Duster thế hệ mới có mức giá chỉ khoảng 24.100 USD, rẻ nhất phân khúc, chỉ nhận được 3 sao từ Euro NCAP.
Trong khi đó, những mẫu xe đạt 5 sao như Mercedes-Benz E-Class hay Skoda Superb có giá khởi điểm lần lượt là 72.000 và 47.000 USD.
Euro NCAP nói gì?
Euro NCAP khẳng định vai trò của tổ chức này không phải là tuân thủ tối thiểu như luật pháp, mà là thúc đẩy sự tiến bộ.
Dù thừa nhận đây có thể là thách thức đối với những hãng hướng đến phân khúc xe bình dân, tuy nhiên Euro NCAP cho rằng, vẫn có những cách tiếp cận khác để nâng cao an toàn mà không cần những công nghệ đắt tiền, ví dụ như cải thiện các hệ thống an toàn hiện có để dễ sử dụng hơn.
Một vấn đề khác được các hãng xe chỉ ra, là việc người dùng thường không mặn mà với một số hệ thống an toàn chủ động, đặc biệt là những công nghệ giám sát hành vi người lái hoặc nhận diện giới hạn tốc độ.
Các chuyên gia của Euro NCAP cho biết đã ghi nhận vấn đề này, và sẽ tiếp tục cải thiện khi đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá mới, không chỉ để đảm bảo công nghệ được trang bị, mà còn thực sự được dùng hiệu quả.
Tiêu chuẩn mới làm xe không còn an toàn?
Bắt đầu từ năm 2026, Euro NCAP sẽ nâng cấp hệ thống đánh giá, đưa thêm các yếu tố như mức độ hỗ trợ người lái, khả năng tránh va chạm, hiệu quả của các hệ thống giám sát và phản ứng sau tai nạn vào trong tiêu chí chấm điểm.

Việc Euro NCAP nâng cao các tiêu chuẩn an toàn khiến hãng xe phải đầu tư mạnh hơn vào những công nghệ tránh va chạm tiên tiến.
4 nhóm tiêu chí chính được thiết lập gồm lái xe an toàn, tránh va chạm, bảo vệ khi va chạm, và an toàn sau tai nạn.
Đây là một phần trong mục tiêu loại bỏ hoàn toàn thương vong trong tai nạn đường bộ mà Euro NCAP đang theo đuổi.
Tuy nhiên, lãnh đạo hãng Citroen cho rằng, chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến các mẫu xe dù mới vài năm trước vẫn được đánh giá cao, nay lại tụt hạng thê thảm: “Ví dụ như mẫu Citroen C3 thế hệ trước từng đạt 4 sao Euro NCAP, nhưng nếu chấm theo tiêu chuẩn mới thì giờ chỉ còn 0 sao”.
Điều này làm dấy lên những tranh cãi về việc một chương trình đánh giá được xem là “kim chỉ nam” cho người tiêu dùng như Euro NCAP, lại đang gây sức ép tài chính lên các nhà sản xuất xe phổ thông. Từ đó có thể tạo ra một thị trường ô tô “phân cấp”, khi chỉ những ai đủ tiền mới được hưởng 5 sao an toàn tối đa.